Máy tìm kiếm Google

Tìm kiếm Tùy Chỉnh

Kết Quả tìm kiếm

Thứ Bảy, 14 tháng 8, 2010

Thủ tục xin phép xây dựng nhà

Hỏi: Tôi có hộ khẩu thường trú tại Đà Nẵng, vào Sài Gòn làm việc và tạm trú ở đây được 5 năm. Tôi có nhận chuyển nhượng một thửa đất ở trong khu dân cư Hiệp Bình Chánh và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên tôi, nay tôi muốn xây nhà trên thửa đất đó. Kính nhờ quý báo tư vấn giúp tôi thủ tục xin giấy phép xây dựng, khi xây dựng nhà ở tôi có cần phải tuân thủ những nguyên tắc gì hay không? Tôi không có hộ khẩu tại TP.HCM thì có thể đăng ký chủ quyền nhà hay không? (Minh Sơn, 27/19 Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức)

Trả lời: Để có thể tiến hành xây dựng nhà ở trên thửa đất đó thì bạn phải xin giấy phép xây dựng tại UBND quận Thủ Đức. Theo quy định tại điều 10 quyết định 04/2006/NĐ-CP ngày 17.2.2006 của UBND TP.HCM thì tuỳ theo tính chất, quy mô công trình, hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng bao gồm những tài liệu chủ yếu sau đây:

a) Đơn xin cấp giấy phép xây dựng;   
        

b) Bản vẽ thiết kế xây dựng công trình gồm các thành phần sau:

+ Tổng mặt bằng công trình trên lô đất, tỷ lệ 1/200, 1/500; kèm theo hoạ đồ vị trí công trình có thể hiện số lô, ranh thửa đất và ranh lộ giới.

+ Mặt bằng các tầng, mặt đứng và mặt cắt công trình, tỷ lệ 1/100, 1/200.

+ Mặt bằng móng, sơ đồ hệ thống và điểm đấu nối kỹ thuật cấp điện, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải, tỷ lệ 1/100, 1/200.

c) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trong trường hợp xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ trong vùng đã có quy hoạch xây dựng được duyệt và công bố nhưng chưa thực hiện thì chỉ được cấp giấy phép xây dựng tạm có thời hạn theo thời hạn thực hiện quy hoạch. Theo đó, hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng phải có giấy cam kết tự phá dỡ công trình khi Nhà nước thực hiện quy hoạch xây dựng.

Trước khi thi công, bạn cần chủ động phối hợp với các chủ công trình liền kề kiểm tra hiện trạng các công trình liền kề về tình trạng lún, nghiêng, nứt, thấm dột và các biểu hiện bất thường khác của công trình liền kề. Kết quả kiểm tra hiện trạng được thể hiện bằng văn bản hoặc bằng ảnh, bằng phim. Khi cần thiết, tiến hành đo đạc và đánh dấu các biểu hiện hư hỏng trên bề mặt công trình để có cơ sở theo dõi.

Kết quả kiểm tra hiện trạng phải được sự thống nhất giữa bạn với các chủ các công trình liền kề có sự chứng kiến của đại diện UBND cấp xã hoặc của đại diện tổ dân phố khi cần thiết.

Trường hợp các chủ công trình liền kề, lân cận không cho kiểm tra hiện trạng công trình thì bạn cần báo cáo UBND cấp xã hoặc đại diện tổ dân phố để yêu cầu các chủ công trình này phối hợp với bạn để kiểm tra. Nếu các chủ công trình liền kề, lân cận vẫn không hợp tác kiểm tra thì bạn vẫn thực hiện việc thiết kế, thi công xây dựng nhà ở. Mọi chứng cứ về hư hỏng công trình liền kề, lân cận do chủ các công trình này đưa ra khi không có sự thống nhất với bạn sẽ không được công nhận khi có tranh chấp xảy ra, nếu có.

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì hộ khẩu không phải là điều kiện bắt buộc trong hồ sơ xin công nhận quyền sở hữu đối với nhà ở, công trình xây dựng. Cụ thể, theo điều 16 nghị định 88/2009/NĐ-CP ngày 19.10.2009 của Chính phủ, để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với công trình xây dựng là nhà ở, bạn liên hệ phòng đăng ký quyền sử dụng đất – phòng Tài nguyên và môi trường cấp huyện nơi có nhà, đất để nộp hồ sơ, gồm có: đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giấy phép xây dựng; bản sao các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật (nếu có); sơ đồ nhà ở (trừ trường hợp trong giấy phép xây dựng đã có sơ đồ nhà ở).

Xin lưu ý với bạn, theo quy định mới tại điều 42 nghị định 71/2010/NĐ-CP ngày 23.6.2010 của Chính phủ (bắt đầu có hiệu lực vào ngày 8.8.2010), khi xây dựng nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân có tổng diện tích sàn xây dựng từ 250m2 trở lên hoặc cao từ ba tầng trở lên (tính cả tầng hầm) thì việc khảo sát, thiết kế và xây dựng phải do các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực hoạt động thiết kế xây dựng hoặc năng lực hành nghề thiết kế xây dựng thực hiện thiết kế. Đồng thời, phải thuê nhà thầu có đủ năng lực theo luật định.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu

(Theo báo SGTT)
-----------------------------------
Thông tin thêm :
1. Công trình Công nghiệp, dân dụng, công cộng :

Gồm có (2 bộ) :

1. Ðơn xin cấp GPXD (theo mẫu).

2. Bản sao có chứng thực (hoặc bản sao không có chứng thực thì phải kèm theo bản chính để đối chiếu) một trong những giấy tờ về quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất.

3. Bản đồ đo đạc vị trí khu đất do cơ quan có tư cách pháp nhân đo đạc lập (tại những nơi chưa có bản đồ địa chính).

4. Bản vẽ thiết kế xây dựng công trình gồm có:

- Tổng mặt bằng công trình trên lô đất, tỷ lệ 1/200 - 1/500 ; kèm theo họa đồ vị trí công trình có thể hiện số lô, ranh thửa đất và ranh lộ giới.

- Mặt bằng các tầng, các mặt đứng và mặt cắt công trình, tỷ lệ 1/100 - 1/200.

- Mặt bằng móng, sơ đồ hệ thống thoát nước mưa, xử lý nước thải, chất thải, tỷ lệ 1/100-1/200.
Trong trường hợp xây dựng nâng tầng phải có hồ sơ khảo sát hiện trạng xác định công trình đủ điều kiện nâng tầng, hoặc biện pháp gia cố của tổ chức tư vấn có tư cách pháp nhân.